Biện pháp phòng trị bọ chét trên mèo

Thông thường chúng ta hay bắt gặp bọ chét trên mèo nhiều hơn ve (rất ít khi mèo bị ve). Là chủ nuôi mèo, chúng ta chắc chắn không muốn nhìn thấy bé cưng nhà mình chịu đựng lũ ký sinh hút máu đáng ghét đó. Bọ chét đôi khi còn cắn người và lây truyền bệnh truyền nhiễm nữa. Vậy thì hãy cùng tìm hiểu xem bọ chét là gì và làm thế nào để ngăn ngừa mèo bị nhiễm bọ chét nhé.

Bọ chét trên mèo là gì?Bọ chét mèo là gì? Cách phòng và điều trị bọ chét ở mèo

Source: wikipedia

Bọ chét mèo là một loại ký sinh trùng hút máu động vật máu nóng. Chúng được xếp loại nhóm côn trùng gây hại lớn nhất không những vì hút máu, mà còn vì khả năng truyền bệnh. Bọ chét mèo là loại bọ chét phổ biến nhất trong nhà. Bọ chét mèo có thể hút máu chó và đôi khi cắn con người (rất hiếm).

Bọ chét mèo trưởng thành dài khoảng 3.2mm. Cơ thể dẹp hai bên và màu từ nâu đen đến đen. Đôi khi bọ chét màu sẽ có màu đen đỏ khi hút đầy máu. Đầu bọ chét cái nhỏ và không cân xứng, do chiều dài gấp đôi chiều cao. Bọ chét mèo không có cánh và có 6 chân, các chân sau giúp chúng nhảy xa. Trứng bọ chét mèo dài khoảng 0.5mm có màu trắng và hình bầu dục.

Khi vật chủ di chuyển thì bọ chét sẽ đẻ trứng dọc đường đi. Mỗi ngày chúng có thể đẻ đến 50 trứng. Trứng này sẽ rơi ra khỏi cơ thể mèo và lẫn vào môi trường xung quanh.

Trong vòng 2-16 ngày trứng sẽ nở thành ấu trùng, sau đó là nhộng trong kén. Giai đoạn này chúng đang “ngủ đông”, và có thể kéo dài đến tận 2 năm. Chúng sẽ ngủ đông cho đến khi gặp được vật chủ mới. Con nhộng sẽ cảm nhận sự hiện diện của vật chủ nhờ nhiệt độ và sự di chuyển của vật chủ. Bọ chét chỉ cần vài giây để tiếp cận và ký sinh lên vật chủ.

Nguyên nhân gây bọ chét

Đa số mấy bé mèo đều có bộ lông dày và làn da ấm áp, nơi trú ngụ tuyệt vời cho lũ bọ chét. Ngoài ra mèo còn cung cấp lượng máu dưỡng chất giúp cho bọ chét tiếp tục sinh sôi phát triển.

Mèo bị nhiễm bọ chét như thế nào? Có nhiều khả năng có thể xảy ra, nhưng những nguyên nhân sau là phổ biến nhất:

  1. Tiếp xúc với thú cưng khác nhiễm bọ chét – nếu có một bé thú cưng đến nhà bạn chơi trước khi phát hiện bé mèo ở nhà nhiễm bọ chét, thì khả năng cao là bé mèo đã bị lây bọ chét từ bé mèo/ chó kia rồi. Nên chú ý rằng bọ chét chó có thể lây cho mèo và ngược lại. Hai loại bọ chét này cũng có thể tấn công con người để hút máu.
  2. Bạn mang bé mèo ra ngoài chơi – Rất khó để tìm hiểu chính xác bé mèo nhiễm bọ chét từ đâu. Nhưng môi trường bên ngoài là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Bọ chét từ đất sẽ nhảy lên người bé mèo.
  3. Nhà của bạn đã có bọ chét sẵn – giả sử bạn mang một bé mèo mới về nhà và bé nhiễm bọ chét sau 1 hoặc 2 tuần, thì khả năng cao là nhà bạn đã có bọ chét. Đôi khi bọ chét sẽ ẩn náu trong các kẽ hở chờ đợi vật chủ mới. Nên lưu ý nhé, một con bọ chét trưởng thành có thể sống đến 100 ngày không hút máu.

Trên đây chỉ là một vài nguyên nhân khiến mèo nhiễm bọ chét mà thôi.

Làm sao để biết mèo nhiễm bọ chét? Triệu chứng như thế nào?

Khá đơn giản để kiểm tra bé mèo có bọ chét không. Những con côn trùng bé nhỏ này sẽ để lại những dấu vết có thể thấy bằng mắt thường trên da bé mèo. Nếu bé đã bị nhiễm bọ chét khá lâu sẽ là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến nhiễm trùng hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Dưới đây là các dấu hiệu mèo đã nhiễm bọ chét từ nhẹ đến nặng:
*Lắc đầu liên tục
*Liếm lông rất nhiều để cố gắng làm sạch bọ chét
*Rụng lông, các mảng da không có lông lan rộng dần
*Nhiều nốt đỏ hoặc vảy trên da, thường xuất hiện tại lưng hoặc cổ
*Nhiều bọ chét màu nâu bò hoặc nhảy trên người bé mèo

Điều nên đáng lưu ý là cho dù bé mèo được chăm sóc vệ sinh sạch sẽ cỡ nào cũng có khả năng nhiễm bọ chét. Do đó nhiều chủ nuôi đã bị sốc vì không thể tin được bé mèo nhà mình có bọ chét.

Bạn nên biết rằng số bọ chét mà bạn thấy trên bộ lông mèo chỉ là phần nổi của tảng băng. Số lượng trứng và thiếu trùng bọ chét trong nhà bạn nhiều gấp mấy lần.

Mỗi con bọ chét có thể đẻ đến 50 trứng. Thử tưởng tượng xem số lượng của chúng sẽ sinh sôi đến cỡ nào sau vài tuần.

Làm thế nào để phòng trị bọ chét

Chúng ta đều biết rằng mèo nhiễm bọ chét từ môi trường và từ những con mèo khác, vì vậy rất khó để trị bọ chét cho mèo. Bạn phải chú ý cả mèo và môi trường. Đối với mèo thì dùng những sản phẩm trị bọ chét nhỏ gáy/ viên uống/ sữa tắm/ xịt hoặc kết hợp (sản phẩm nhỏ gáy hiện nay được xem là hiệu quả và an toàn nhất).

Vệ sinh nhà như sau:

  1. Sử dụng máy hút bụi công suất cao để hút sàn nhà, ghế và nệm. Bọ chét, trứng, ấu trùng và nhộng thường ẩn nấp trong các kẽ hở và không gian nhỏ. Nếu được bạn nên sử dụng máy hút bụi có túi đựng để sau khi hút sẽ bỏ túi mà không phải tiếp xúc trực tiếp.
  2. Sử dụng hơi nước nóng để làm sạch thảm và bọc ghế, cả nệm mèo nữa. Kết hợp xà phòng và nhiệt độ cao sẽ giết chết bọ chét ở tất cả các giai đoạn của vòng đời. Đặc biệt chú ý làm sạch tất cả các khu vực mà mèo hay nằm.
  3. Giặt tất cả các bề mặt vải, của cả chủ nuôi và mèo bằng nước nóng. Bật chế độ sấy khô ở nhiệt độ cao nhất. Nếu mèo nhiễm bọ chét nặng, có thể vứt bỏ tất cả và thay mới.
  4. Dùng các sản phẩm hóa học. Sản phẩm có chứa aerosol dạng xịt được khuyến cáo nên dùng hơn dạng phun sương, do bạn có thể xịt dưới giường hoặc những khu vực khuất khác mà máy phun sương không phun tới được. Chọn một sản phẩm trị côn trùng có tác dụng với con trưởng thành, như permethrin, có khả năng trị bọ chét trưởng thành, hoặc chất ngăn chặn vòng đời côn trùng như methoprene hoặc pyriproxyfen, có khả năng tiêu diệt trứng, ấu trùng và nhộng. Chủ nuôi và mèo nên tránh xa các hóa chất tiêu diệt bọ chét này cho đến khi khô hẳn. Đảm bảo rằng bạn mang bao tay khi xịt hóa chất, và chỉ xịt khi không còn ai trong nhà.

Vệ sinh sân vườn như sau:

  1. Cắt cỏ thường xuyên và cào kỹ mặt đất. Bọ chét hay ẩn náu trong các khóm cỏ cao. Ngay lập tức cho vào bao rác, không ủ phân hữu cơ.
  2. Làm sạch các mảnh rác vụn, như lá hoặc cành cây khô, làm sạch các bụi rậm cũng như khu vực trồng hoa. Phát quang các khu vực rậm rạp để ánh sáng mặt trời chiếu tới càng nhiều càng tốt.
  3. Rải các mảnh gỗ tuyết tùng tại các khu vực mà mèo hay nằm, ví dụ bên dưới bụi rậm, trên các luống hoa (mùi hương của gỗ tuyết tùng có công dụng đuổi côn trùng).
  4. Liên hệ các shop bán dụng cụ làm vườn để hỏi mua hạt lưu huỳnh hoặc tuyến trùng (giun tròn, giun đất), đây là các loại giun nhỏ có thể ăn trứng bọ chét. Bạn có thể thả cả hai ở các khu vực nghi ngờ để làm sạch bọ chét.

Tổng kết

Bọ chét mèo gây ra nhiều phiền toái cho cả chủ nuôi và mèo. Bọ chét hút máu mèo và truyền bệnh cho mèo (sán dây, gây thiếu máu, nhiễm trùng Bartonella, gây viêm da dị ứng do bọ chét) và cả chủ mèo nữa (sốt phát ban và dịch hạch, “bệnh mèo cào”-nhiễm trùng do Bartonella. Cách tốt nhất để phòng ngừa bọ chét là cho mèo dùng sản phẩm nhỏ gáy thường xuyên (các bác sĩ thú y hay khuyến cáo dùng 1 lần mỗi tháng nếu có khả năng).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *