Chó ghẻ trong dân gian còn được gọi là xà mâu. Bệnh đặc trưng với triệu chứng chó viêm da nặng, ngứa dữ đội.
Tình trạng này nếu không được điều trị sớm sẽ khiến bé khó chịu, bỏ ăn bỏ uống, viêm da nặng và sinh mùi hôi thối.
Bé sẽ luôn trong tình trạng khó chịu, ngứa ngáy, đau đớn cho đến khi bệnh được chữa dứt điểm.
Hãy cùng tìm hiểu về bệnh ghẻ trên chó nhé.
Có mấy loại ghẻ trên chó?
Bệnh ghẻ ở chó là gì? Nguyên nhân gây ghẻ & cách thức lây lan.
Có 2 loại: ghẻ do Demodex và ghẻ do Sarcoptes
Chó ghẻ do Demodex
Bệnh viêm da Demodex là bệnh gây nên bởi một loại ký sinh trùng chân khớp, ký sinh tạm thời ở nang lông, gần nang lông, tuyến bã, trên vảy da của chó.
Khác với Sarcoptes đào hang ngay dưới bề mặt da, Demodex lại nằm trong nang lông.
Demodex là loại ký sinh nhỏ nhất trong ngành chân khớp, có khoảng 65 loài Demodex được biết đến.
Demodex là một loại ký sinh trùng thuộc ngành động vật chân đốt (Arthropoda) nhỏ nhất, lớp Nhện (Arachnida), bộ Ve (Acarina), họ Demodicidae.
Do đặc tính không thích ánh sáng, nên vào ban đêm demodex đực sẽ rời lỗ chân lông và tìm kiếm những ký sinh cái để giao phối. Sau đó những con cái sẽ đẻ trứng vào lỗ chân lông, làm cho lỗ chân lông trên da bị giãn ra và trở nên rộng hơn. Vào ban đêm hoạt động của loài ký sinh này sẽ trở nên nhộn nhịp hơn.
Miệng của những con ký sinh trùng này giống như chiếc kim sắc, nó có thể đốt trực tiếp vào trong tế bào để hút chất dinh dưỡng. Demodex ăn tế bào chết, hormone và chất dầu có trong chất bã nhờn của da. Chúng có thể di chuyển chậm với vận tốc 8-16 cm trong một giờ. Chúng thích môi trường ẩm ướt, ấm và hoạt động nhiều nhất trong bóng tối.
Có thể nói, Demodex là một loại ký sinh bình thường trên hệ thống da của chó (trong tuyến bả nhờn) khi số lượng ít. Tuy nhiên nếu số lượng của chúng vượt quá mức độ cho phép của hệ thống miễn dịch thì chúng sẽ gây ra bệnh ghẻ Demodex trên chó với những triệu chứng về da nghiêm trọng.
Cách thức lây lan bệnh viêm da Demodex ở trên chó
Bệnh này lây lan chủ yếu qua tiếp xúc. Có thể lây từ mẹ sang con do tiếp xúc trong vòng một tuần đầu sau khi sinh( đặc biệt là trong 2-3 ngày đầu bú sữa) . Đó cũng là nguyên do vì sao bệnh thường xuất hiện ở phần đầu và chân trước của chó. Sau đó bệnh mới lây lan đến những nơi khác.
Demodex ký sinh sâu trong nang lỗ chân lông, tuyến bã nhờn gây kích ứng viêm da. Chúng thường kết hợp với tụ cầu khuẩn gây mủ trên da Staphylococcal pyoderma, gây viêm da mủ.
Chó bị viêm da do Demodex thường gầy gò, yếu ớt. Nếu để tình trạng viêm da lâu ngày thì chó có thể bị biến chứng về thận, gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.
Tất cả những chú chó bình thường đều có một vài con ghẻ Demodex này trên da. Miễn là hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động bình thường, những con ghẻ này không gây hại.
Bệnh chó ghẻ do Demodex thường xảy ra khi một bé chó có hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, khiến cho số lượng ghẻ trên da tăng lên nhanh chóng. Kết quả là bệnh này xảy ra chủ yếu ở chó dưới 12 đến 18 tháng tuổi.
Những chú chó trưởng thành mắc bệnh này thường có hệ thống miễn dịch suy yếu. Bệnh ghẻ do Demodex có thể xảy ra ở những bé chó lớn tuổi vì chức năng của hệ thống miễn dịch suy giảm theo tuổi tác như những chú chó quá già, chó con bị bệnh hoặc chó đang mang thai. Những chú chó bị suy giảm hệ thống miễn dịch do bệnh tật hoặc một số loại thuốc cũng dễ mắc bệnh ghẻ do Demodex.
Các nguyên nhân phổ biến nhất được ghi nhận là tuyến giáp hoạt động kém, bệnh Cushing, ung thư hoặc thuốc ức chế miễn dịch. Những trường hợp này chiếm khoảng 50% các trường hợp khởi phát ở chó trưởng thành. Trong nhiều trường hợp không thể tìm ra nguyên nhân chính.
Chó ghẻ do Sarcoptes
Nguyên nhân là do cái ghẻ Sarcoptes canis ký sinh ở dưới lớp biểu bì của da. Đây là loại ghẻ thuộc phân bộ ghẻ Sarcoptifomes, họ ghẻ Sarcoptudae. Sarcoptes scabiei mite, loài có họ hàng gần nhất với loài nhện.
Cái ghẻ xâm nhập vào lớp biểu bì, đào rãnh, lấy dịch lympho và dịch tế bào của vật chủ làm chất dinh dưỡng.
Ghẻ trưởng thành sống trong da chó khoảng 3 đến 4 tuần. Sau khi giao phối, con cái chui vào da. Trong 3-10 ngày, trứng nở thành ấu trùng di chuyển lên bề mặt da, trải qua nhiều giai đoạn để cuối cùng trở thành ve trưởng thành. Những con ghẻ trưởng thành giao phối và chu kỳ lại bắt đầu. Sarcoptes có thể lây nhiễm cho chó ở mọi lứa tuổi.
Ghẻ đực và cái trưởng thành giao cấu ngay tại rãnh. Sau khi giao phối con đực chết, con cái đào rãnh trong biểu bì để đẻ trứng.
Vì trên lưng có gai nhọn hướng về phía sau nên cái ghẻ không lùi được và luôn tiến về phía trước. Trên rãnh đi của cái ghẻ có những điểm đen là phân của nó và từng quãng sẽ bắt gặp trứng ở các giai đoạn phát triển khác nhau.
Con cái đẻ 40 – 50 trứng, trong vòng 3 – 7 ngày trứng sẽ nở thành ấu trùng.
Ấu trùng gần giống dạng trưởng thành nhưng chỉ có 3 đôi chân. Ấu trùng sau lúc nở đào thủng rãnh thành một lỗ thoát ra ngoài.
Sau đó không lâu, ấu trùng phát triển thành thiếu trùng có 4 đôi chân; hai đôi chân trước có giác bám, hai đôi chân sau có tơ như dạng trưởng thành nhưng chưa có lỗ sinh dục.
Sau một thời gian nữa, thiếu trùng phát triển thành ghẻ trưởng thành. Trong điều kiện thích hợp, ghẻ ngầm Sarcoptes cần 15 – 20 ngày để hoàn thành vòng đời của mình.
Từ 1 cái ghẻ ban đầu, trong vòng 3 tháng nó có thể sản sinh ra 1 quần thể tới 150000 cá thể.
Bệnh ghẻ Sarcoptes ở chó lây truyền trực tiếp qua tiếp xúc, qua đồ đạc, quần áo của người chăm sóc, nuôi dưỡng chó.
Ghẻ Sarcoptes có thể lây nhiễm sang người và mèo nhưng không thể sinh sản như ở chó. Ở người, ghẻ không thể hoàn thành vòng đời và chết sau vài ngày, nhưng thường gây ra các triệu chứng ngứa dữ dội và có thể phải điều trị y tế.
Mèo có thể bị nhiễm bởi một loài ghẻ có liên quan mật thiết với Sarcoptes scabiei có tên là Notoedres cati, gây ra một tình trạng được gọi là bệnh mange notoedric.
Triệu chứng của bệnh ghẻ trên chó
Triệu chứng và cách chẩn đoán bệnh viêm da Demodex
Dấu hiệu lâm sàng thường thấy ở chó là hiện tượng rụng lông, da nhờn, sừng hóa da.
Bệnh có thể xảy ra ở chó con vài ngày sau khi sinh. Tỷ lệ nhiễm cao dần do tiếp xúc mẹ truyền sang con. Dấu hiệu thường thấy như: da ửng đỏ, có vảy, lở loét quanh chân, không có lông xung quanh mắt hay toàn bộ cơ thể chó.
Dấu hiệu chó bị rụng lông quanh mắt hay còn gọi là “ đeo mắt kính” thường được dùng để phân biệt chẩn đoán với bệnh lý ghẻ do Sarcoptes.
Nếu bệnh xảy ra ở dạng cục bộ thì vùng tổn thương thường gặp là trên mặt, hai mí mắt, chân trước của chó. Tổn thương cục bộ thường là thể nhẹ và không phát triển thành dạng viêm có mủ kế phát.
Nếu ở dạng toàn thân thì da đỏ với nhiều dịch rỉ máu và huyết thanh. Trường hợp này thường kết hợp với viêm nhiễm do các vi trùng cơ hội như: Staphylococcus aureus, Pseudomonas sp gây sinh mủ và có mùi hôi tanh.
Dựa vào triệu chứng bệnh tích
Bệnh do Demodex không gây ra ngứa nhiều ở chó. Tuy nhiên, chó có hiện tượng rụng lông ở nhiều nơi đặc biệt quanh mắt, tứ chi hay toàn bộ cơ thể. Ở dạng cục bộ rụng lông thành từng vùng không thấy viêm. Dạng toàn thân da đỏ với nhiều dịch rỉ, viêm da có mủ, mùi hôi tanh.
Triệu chứng và cách chẩn đoán bệnh viêm da do Sarcoptes
Triệu chứng bệnh chó ghẻ do Sarcoptes tiến triển theo 3 thời kỳ nối tiếp: thành từng điểm lỗ chỗ, thành mảng lớn, rồi lan ra toàn thân.
Mụn ghẻ xuất hiện ở chỗ da mỏng như bụng, ngực , nách, bẹn, gốc tai, xung quanh bầu vú, cả vành tai, khuỷu tay, mỏm chân cũng có thể xuất hiện. Triệu chứng của ghẻ ngầm gồm ngứa dữ dội kéo dài, rụng lông và đóng vảy, có thể bong tróc.
Ngứa do cái ghẻ đào hang và do độc tố trong nước bọt của ghẻ kích thích gây viêm da dị ứng.Chó ngứa dữ dội, gãi bằng chân, dùng răng cắn chỗ ngứa hay cọ xát điên cuồng vào bất cứ thứ gì.
Viêm bao lông phát triển làm chó bệnh bị rụng lông khi gãi ngứa và cọ xát.
Lông rụng thành từng đám tròn, lúc đầu chỉ 2-3mm mỗi chiều, sau đó lan rộng ra xung quanh do ghẻ cái đẻ nhiều. Ghẻ trưởng thành không tập trung một chỗ mà đi khắp cơ thể, làm rụng lông lan rộng.
Rụng lông đều, toàn bộ và lan ra chậm. Rụng lông do rận ăn lông (Mallophaga) thì rụng lông không đều, lông không rụng hết.
Tại những chỗ ngứa đều hình thành mụn nước to bằng đầu đinh ghim. Mụn này hình thành xung quanh một cái ghẻ do nước bọt của nó kích thích.
Khi chó gãi, cọ sát khiến mụn nước vỡ ra, tương dịch chảy ra cùng với máu và những mảnh thượng bì bị bong tróc đóng thành vảy có màu nâu nhạt. Ở những chỗ bị rụng lông, lớp vảy này có thể dày tới 3 – 4mm.
Những chỗ rụng lông tiếp tục tăng thêm, lan rộng, nối liền nhau thành những mảng lớn. Da trở lên dày và nhăn nheo, có mùi hôi hám rất khó chịu.
Bệnh tiến triển làm suy giảm chức năng của da, chó ngứa liên tục, mất ăn, mất ngủ gầy rạc thậm chí chết.
Bệnh tích của ghẻ ngầm là chứng viêm da nặng và rụng lông diện rộng, có thể là toàn bộ da. Rãnh trong da có cái ghẻ, trứng của chúng ở các giai đoạn tiến triển khác nhau và phân là những hạt đen.
Các phương pháp chẩn đoán bệnh ghẻ phổ biến hiện nay:
- Soi tươi bệnh phẩm vẩy da bằng KOH dưới kính hiển vi
- Sinh thiết da: có thể được sử dụng để xác nhận chẩn đoán nhưng ít khi được sử dụng vì độ tập trung của ghẻ thấp.
- Xét nghiệm huyết thanh học cho Sarcoptes scabies có độ nhạy 100% và độ đặc hiệu 93,75%. Sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán cho bệnh ghẻ và được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán bệnh ghẻ trên người.
Cách phòng ngừa bệnh chó ghẻ
Vệ sinh nơi ở của chó thường xuyên. Nơi vui chơi, đi vệ sinh của chó cũng nên được dọn dẹp định kỳ. Sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm ghẻ của chó.
Sát trùng nơi ở và khu vực chó chơi đùa theo định kỳ. Giường, nệm nằm và đồ chơi của chó nên được sát khuẩn thường xuyên.
Các loài ghẻ có thể sống ngoài vật chủ chính của chúng và lây nhiễm trong môi trường trong khoảng 36 giờ. Do đó chó được chẩn đoán hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần giặt toàn bộ đồ dùng như giường, vòng cổ và dây dắt của chúng trong nước tẩy pha loãng hoặc thay mới.
Tắm cho chó bằng sữa tắm phù hợp (có thể xin ý kiến bác sĩ thú y) với chúng. Tuy nhiên, không nên tắm cho chúng quá nhiều dễ gây rụng lông.
Giữ cho bé chó của bạn tránh xa những khu vực mà chúng có thể tiếp xúc với những chú chó có khả năng bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như chó hoang hoặc cáo hoang dã.
Vệ sinh kỹ lưỡng nếu nghi ngờ chó của bạn bị bệnh ghẻ bằng cách rửa tay thường xuyên sau khi vuốt ve chúng.
Lưu ý dinh dưỡng
Nên cho chó ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Điều này sẽ làm chó có sức đề kháng tốt hơn.
Việc ăn đầy đủ dinh dưỡng còn góp phần thúc đẩy lông mọc sau khi chó bị ghẻ. Cũng giống như con người, dinh dưỡng cân bằng và đủ đóng vai trò rất quan trọng với chó.
Các loại thuốc giúp điều trị bệnh chó ghẻ
Phương pháp điều trị bao gồm thuốc bôi, xịt, thuốc tiêm, nước uống, thuốc viên hoặc thuốc nhai có hương vị.
Mặc dù trước đây thuốc ngâm được sử dụng thường xuyên, nhưng ngày nay đã có những sản phẩm an toàn hơn, dễ thực hiện và hiệu quả hơn trong việc chống lại bệnh ghẻ.
Chủ nuôi cần nói chuyện với bác sĩ thú y của bạn về cách điều trị phù hợp nhất với chó của bạn và lối sống của bạn. Nhiều sản phẩm sẽ điều trị ghẻ và ngăn ngừa bệnh da do ghẻ gây ra trên chó . Lưu ý rằng chó bị ghẻ thường sẽ cần nhiều hơn 1 hoặc 2 lần điều trị để khỏi bệnh.
Luôn nói chuyện với bác sĩ thú y trước khi cho hoặc bôi bất kỳ loại thuốc nào cho thú cưng của bạn nhé!
Thuốc tiêm
Ivermectin là một hoạt chất được sử dụng trong ngành thuốc thú y có tác dụng điều trị và phòng ngừa ký sinh trùng, trị ghẻ trên chó mèo.
Ivermectin có tác dụng điều trị ghẻ Sarcoptes. Ivermectin có nhiều trong thuốc tiêm trị ghẻ thương mại trên chó mèo như Pharmectin, Bivermectin, Ivermectin, dectomax.
Sử dụng thuốc viên nhai trị ghẻ Sarcoptes (Nexgard®, Simparica®, Bravecto®, Credelio®)
Những nhóm thuốc uống dạng viên nhai kể trên có tác dụng tiêu diệt ve chó, bọ chét, ghẻ sau 1 lần sử dụng và có hiệu quả trong 1 khoảng thời gian nhất định , từ 1 đến 3 tháng cho 1 lần sử dụng tuỳ theo nhà sản xuất cũng như mục đích sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa ( cần phải tái sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất và sự hướng dẫn của bác sỹ thú y).
Loại thuốc dạng viên nhai này được đánh giá là khá hiệu quả trong việc điều trị ghẻ, viêm da và ký sinh trùng đối với chó mèo.
Thuốc xịt, bôi ngoài da trị ghẻ Sarcoptes
Nếu chó bị ghẻ Sarcoptes bạn có thể sử dụng loại thuốc xịt alkin mitecyn.
Đây là dòng thuốc xịt trị ghẻ Sarcoptes có tác dụng tiêu diệt ve chó, ký sinh trùng.
Bạn có thể mua thuốc để xịt lên da những vùng chó bị ghẻ để tiêu diệt ve chó, ký sinh trùng ghẻ ở vùng da xịt.
Nhược điểm của loại thuốc xịt trị ghẻ này đó là những vùng bạn không xịt tới hoặc sót trên cơ thể chó sẽ vẫn tồn tại ghẻ tấn công cơ thể chó nhưng chúng chưa phát triển ra tình trạng lở loét hay đóng vảy.
Tất cả các sản phẩm này được dán nhãn để điều trị, phòng ngừa và kiểm soát ghẻ và cũng giúp ngăn ngừa bệnh ghẻ ở chó.
Tuân thủ tất cả các hướng dẫn điều trị từ bác sĩ thú y của bạn.
Đảm bảo sản phẩm được dán nhãn dành cho chó và đó là liều lượng thích hợp cho tuổi và cân nặng của chó.
Bệnh ghẻ có thể lây sang người không!
Có nhé, nếu chó của bạn đã được chẩn đoán hoặc nghi ngờ mắc bệnh ghẻ do Sarcoptex và bất kỳ ai trong gia đình bạn bị ngứa da hoặc phát ban trên da, hãy liên hệ với bác sĩ và cho họ biết về khả năng tiếp xúc với bệnh ghẻ. Bác sĩ của bạn sẽ tư vấn những bước tiếp theo cần được thực hiện.
Một điều mà chúng ta cần biết Demodex là loại ký sinh trùng có mặt trên da của tất cả những người trưởng thành, chỉ cần ở những nơi nào có nang lông và bã nhờn thì sẽ có Demodex. Tuy nhiên, những người có số lượng demodex phân bố trên da nhiều và dày đặc thì sẽ dẫn đến hiện tượng da bị ngứa, sần sùi, mụn nhọt và phát triển thành bệnh viêm da demodex. Trên người , bệnh viêm da do Demodex có 3 thể bệnh chính:
- Viêm nang lông dạng vảy phấn (thể nhẹ nhất): thương tổn là đám da đỏ, bề mặt có những vảy da, nút sừng ở nang lông, bệnh nhân có cảm giác kiến bò trên da
- Viêm da Demodex dạng trứng cá.
- Trứng cá đỏ thể u hạt (thể này ít gặp, thường gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch).
Cách điều trị ghẻ trên chó
Nếu phòng ngừa không đủ và chó đã có các triệu chứng của bệnh ghẻ, bạn nên mang bé đến bác sĩ thú y càng sớm càng tốt để có thể chẩn đoán và tìm ra giải pháp tốt nhất.
Thông thường, bác sĩ thú y sẽ chẩn đoán những chó bị nghi ngờ mắc bệnh dựa trên tiền sử phơi nhiễm, các triệu chứng và phản ứng với điều trị của chúng. Nhiều bác sĩ thú y sẽ lấy mẫu da bằng cách sử dụng một lưỡi dao nhỏ để cạo da và tìm kiếm con ghẻ dưới kính hiển vi. Nếu tìm thấy ghẻ, bác sĩ thú y sẽ kê đơn phương pháp điều trị thích hợp.
Tuy nhiên, Kết quả cạo da âm tính không loại trừ bệnh ghẻ ở chó và các bác sĩ thú y thường sẽ điều trị bệnh ghẻ cho chó trong khi theo dõi sự cải thiện trong vòng 2 đến 4 tuần. Những bạn chó bị ghẻ thường được phát hiện âm tính khi cạo da khoảng 50%. Đôi khi, bệnh ghẻ sẽ được chẩn đoán bằng phương pháp sinh thiết da ở những con chó bị nhiễm trùng da mãn tính chưa đáp ứng điều trị thích hợp, nhất là bệnh ghẻ do Demodex.
Việc điều trị sẽ không chỉ phụ thuộc vào loại ghẻ (Sarcoptes/Demodex) mà còn phụ thuộc vào giống và tuổi cùng các yếu tố khác (tình trạng bệnh lý, hệ miễn dịch).
Tùy thuộc vào cả mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, một số con chó sẽ cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị để loại bỏ bệnh ghẻ một cách hiệu quả.
Các triệu chứng và khu vực bị ảnh hưởng do ghẻ thường tương tự như dị ứng môi trường và dị ứng thực phẩm. Bác sĩ thú y thường điều trị bệnh ghẻ như một biện pháp phòng ngừa trước khi xem xét chẩn đoán và điều trị bệnh dị ứng thực phẩm hoặc dị ứng. Các bạn chó bị ghẻ rất thường bị nhiễm trùng da thứ phát do vi khuẩn và cần được chăm sóc thú y cũng như điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Phương pháp điều trị mà bác sĩ thú y sẽ kê đơn cho chó có thể là các loại thuốc uống, thuốc bôi hoặc thuốc tiêm.
Ví dụ: Ivermectin, selamectin, moxidectin và milbemycin oxime.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị triệu chứng bao gồm giảm đau, giảm ngứa, thuốc chống viêm, sữa tắm với các hoạt chất làm giảm ngứa da. Có thể kê thêm một số loại thuốc đặc hiệu hơn để điều trị như kháng sinh hoặc thuốc diệt nấm để điều trị viêm da thứ phát hoặc nấm thứ phát.
Chú ý : Theo dõi chặt chẽ chó của bạn để cải thiện tình trạng ngứa, đỏ da. Chó thường bị nhiễm trùng da thứ phát và sẽ cần thuốc kháng sinh theo toa và sử dụng sữa tắm có thuốc như Benzoyl peroxide . Phản ứng viêm đối với bệnh ghẻ sẽ gây ngứa dữ dội, có thể được điều trị bằng cortisone hoặc các loại thuốc tương tự. Bác sĩ thú y sẽ xác định loại thuốc mà chó của bạn cần để điều trị nhiễm trùng và giảm ngứa.
Điều quan trọng nhất là chủ nuôi phải theo lịch trình điều trị của bác sĩ thú y để giúp điều trị dứt điểm ghẻ trên chó.
Ngay cả trong những trường hợp có thể điều trị được, liệu pháp điều trị thường kéo dài ít nhất 6 tháng.
Nếu chủ nuôi tự ý ngưng liệu trình điều trị sớm hơn khuyến cáo của bác sĩ khi cho rằng chó đã hết bệnh thì nhiều khả năng là trong vài ngày hoặc vài tuần, bệnh ghẻ sẽ xuất hiện trở lại, vì một vài con cái ghẻ/Demodex có thể vẫn còn tồn tại trong da chó và chúng sẽ hồi phục và sinh sôi trở lại.
Tổng kết
- Bệnh ghẻ trên chó trong dân gian còn được gọi là xà mâu. Bệnh đặc trưng với triệu chứng chó viêm da nặng, ngứa dữ đội. Tình trạng này nếu không được điều trị sớm sẽ khiến bé khó chịu, bỏ ăn bỏ uống, viêm da nặng và sinh mùi hôi thối.
- Có 2 loại ghẻ trên chó: ghẻ do Demodex và ghẻ do Sarcoptes
- Triệu chứng của bệnh ghẻ do Demodex không gây ra ngứa nhiều ở chó. Tuy nhiên, chó có hiện tượng rụng lông ở nhiều nơi đặc biệt quanh mắt, tứ chi hay toàn bộ cơ thể. Ở dạng cục bộ rụng lông thành từng vùng không thấy viêm. Dạng toàn thân da đỏ với nhiều dịch rỉ, viêm da có mủ, mùi hôi tanh.
- Triệu chứng của bệnh ghẻ do Sarcoptes là chứng viêm da nặng và rụng lông diện rộng, có thể là toàn bộ da. Rãnh trong da có cái ghẻ, trứng của chúng ở các giai đoạn tiến triển khác nhau và phân là những hạt đen.
- Để phòng ngừa chó bị ghẻ thì chủ nuôi nên vệ sinh nơi ở của chó thường xuyên. Nơi vui chơi, đi vệ sinh của chó cũng nên được dọn dẹp định kỳ. Sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm ghẻ của chó.
- Hãy nhớ điều trị cho tất cả các bạn chó trong nhà nếu nghi ngờ hoặc chẩn đoán bệnh ghẻ , dù chỉ xuất hiện trên một bạn chó.
- Điều quan trọng nhất là chủ nuôi phải theo lịch trình điều trị của bác sĩ thú y để giúp điều trị dứt điểm ghẻ trên chó.