Nhiều chủ nuôi sau một thời gian gắn bó với một chú mèo, quyết định mang về nhà một bé nữa. Tất nhiên họ sẽ lo lắng nhiều vấn đề như liệu chúng có hợp nhau hay không hay bé mèo mới có thích nghi được với môi trường mới hay không. Nếu gia đình bạn có trẻ con hoặc còn vật nuôi khác (chó, gà, heo…) thì việc gia nhập của chú mèo mới càng không dễ. Chúng tôi sẽ chia sẻ những kinh nghiệm giúp cho chủ nuôi chuẩn bị trước khi mang bé mèo thứ hai về nhà.
Tính cách của mèo hầu hết được hình thành trong gian đoạn thơ ấu
Nếu bạn nhận nuôi mèo con thì sẽ cần nhiều lưu ý hơn là một bé mèo trưởng thành.
Tính cách của mèo hầu hết được hình thành trong giai đoạn thơ ấu. Khi mèo vừa biết chạy nhảy thì tính cách của chúng đã dần được định hình. Những tính cách như nhút nhát, bạo dạn, tò mò, mức độ hoạt động, hung hăng, sự thụ động, sự hứng thú xã hội và có thể nhận biết được bé mèo con có tăng động phá phách hay không ngay từ giai đoạn này.
Nhiều bé mèo sẽ dần thay đổi tính cách khi 5 tuổi, trở nên ngọt ngào nũng nịu và/ hoặc thích vuốt ve hơn.
Những lưu ý khi mang bé mèo con thứ hai về nhà
Nếu bé mèo ở nhà là mèo con thì cả 2 bé sẽ rất dễ làm quen với nhau. Chúng sẽ chơi với nhau nhanh thôi. Không có ý thức lãnh thổ hoặc quá nhiều hóc môn, mèo con hầu hết rất thích thú làm quen bạn mới, nên bạn hãy cứ giới thiệu chúng với nhau chậm rãi nhé.
Nhốt riêng 2 bé mèo con trong khi chúng vẫn nhận biết nhau. Một cách đơn giản an toàn để làm điều này là nhốt chúng ở hai phòng riêng với cánh cửa ở giữa 2 phòng đóng kín.
Nhờ khứu giác và thính giác tốt, chúng sẽ nhận ra sự hiện diện của nhau, và sẽ đánh hơi và thò tay qua bên dưới cánh cửa.
Trong khi để giới thiệu các bé mèo trưởng thành cần thời gian vài ngày thì mèo con rất dễ để làm quen với nhau, bạn có thể mở cửa sau chỉ vài giờ đồng hồ.
Quan sát khi chúng đang làm quen. Tuy không quá hung hăng với mèo mới như mèo trưởng thành, mèo con vẫn sẽ thể hiện sự hung hăng và kêu rít một chút trước khi chúng thả lỏng và thoải mái. Nếu chúng kêu rít hoặc cong lưng một chút là hoàn toàn bình thường, không đáng lo.
Nên nhớ là mèo con rất thích đùa giỡn. Nếu chúng chỉ vật nhau một chút thì không sao đâu, nhưng nếu chúng bắt đầu đánh nhau thật thì phải tách chúng ra vài giờ đồng hồ.
Đặt 2 bé mèo trong cùng 1 phòng nhưng ở riêng, để chúng làm quen với sự hiện diện của nhau mà không xâm phạm vào không gian riêng của con còn lại. Ví dụ, cho chúng tô thức ăn và nước uống riêng và đặt ở hai góc phòng. Đồng thời cho chúng giường và thau cát riêng, đảm bảo trong phòng có đủ đồ chơi và không gian cho chúng chơi đùa.
Quan tâm cả hai bằng nhau không thiên vị, để chúng không cảm thấy bị đe dọa bởi con còn lại. Dành thời gian chơi đùa với từng con, để chúng không phải tranh giành tình yêu của chủ nuôi.
Cẩn thận quan sát khi chúng làm quen tiếp xúc nhau. Không như mèo lớn, mèo con đôi khi chỉ cần một ngày để làm quen với nhau, do đó bạn không cần phải giới hạn thời gian vui chơi của chúng.
Nếu chú mèo đang ở nhà là mèo lớn, thì đây là vài mẹo để giúp bé mèo con làm quen với mèo lớn:
(1) Chuẩn bị trước khi mang bé mèo con về nhà
Ngày đầu tiên sẽ là khá khó khăn khi giới thiệu hai bé mèo trực tiếp với nhau, nên khoan đã! Nên giữ cho hai bé ở riêng một thời gian để chúng làm quen với mùi của nhau. Một cách để làm việc này là tạo ra khu vực riêng biệt cho từng con trong nhà. Mỗi bé mèo sẽ có đồ chơi riêng, giường, thau cát và tô thức ăn riêng, do đó bạn nên chuẩn bị trước.
(2) Cho chúng làm quen với mùi của nhau trước
Để bé mèo lớn của bạn ở trong một phòng khác trong khi bạn giúp bé mèo con mới làm quen với môi trường xung quanh. Bé mèo mới sẽ nhanh chóng ngửi mùi của căn nhà và nhận ra mùi của một con mèo khác. Sau đó bạn đổi vị trí chúng, bé mèo con vào phòng và & cho bé mèo lớn ra ngoài ngửi xung quanh cũng như ngửi mùi của bé mèo mới.
Nhớ thưởng cho cả hai bé khi chúng đang tập làm quen với mùi của nhau!
(3) Cho chúng nhìn thấy nhau
Bước 2 của việc giới thiệu hai bé mèo đó là để chúng nhìn thấy nhau! Trước khi thả hai bé mèo vào cùng một phòng, hãy tách chúng ra bằng một tấm màn hoặc một khe cửa. Cho chúng gặp nhau từ từ chậm rãi – khi chúng thấy thoải mái với nhau sẽ bắt đầu ngửi nhau và thò chân qua khe cửa. Đây là dấu hiệu cho thấy chúng có thể gặp mặt trực tiếp rồi!
(4) Kiên nhẫn và bình tĩnh giới thiệu chúng
Khi hai bé đã sẵn sàng gặp mặt nhau trực tiếp, bạn hãy cố gắng kiên nhẫn và bình tĩnh hết mức có thể! Nên nhớ rằng bé mèo lớn cần học cách chia sẻ và chấp nhận bé mèo mới. Mèo lớn thường khó thích nghi, nên những lần giới thiệu đầu nên diễn ra trong thời gian ngắn sau đó tăng thời gian từ từ.
Ngoài ra, thường bé mèo con mới sẽ khá quậy phá và thích khám phá, không như bé mèo lớn! Luôn quan sát ngôn ngữ cơ thê của chúng. Có thể chúng sẽ khè nhau hoặc gầm rít nhau lúc đầu, nên chuẩn bị sẵn để can thiệp khi chúng đánh nhau!
(5) Thưởng ăn vặt
Đừng ngạc nhiên nếu hai bé mèo không làm quen với nhau ngay lập tức. Chúng cần thời gian! Để giúp chúng tăng sự gắn kết, hãy dùng bánh thưởng hoặc quà vặt để khuyến khích chúng chơi đùa vui vẻ với nhau.
(6) Quan sát phản ứng của hai bé mèo
Cho dù hai bé có vẻ thoải mái bên nhau rồi thì bạn cũng nên quan sát để ý – không có gì đảm bảo hai bé sẽ hòa thuận ngay lập tức cả. Chú ý những dấu hiệu stress và lo âu – bỏ ăn, trốn trong một khoảng thời gian dài, tiếng kêu, hành động thể hiện sự thù địch hoăc bất cứ một hành vi bất thường nào diễn ra vài ngày đều cần được làm rõ!
Bé mèo lớn sẽ phản ứng lại bằng việc ngủ ở những nơi lạ hoặc thay đổi thói quen ăn uống. Đảm bảo rằng bé có thể đến khay cát vệ sinh dễ dàng cũng như những lối ra thông thường của bé không bị chắn. Bạn cũng nên quan sát hành vi ăn uống của bé mèo lớn, điều này khá quan trọng – mèo lớn dễ bị mất nước, mà với sự có mặt của người bạn mới và chúng phải chia sẻ, chúng thường sẽ ít uống nước hơn. Nếu bạn lo lắng về bé mèo, hãy nói chuyện với bác sĩ thú y.
(7) Thời khóa biểu sẽ giúp tối thiểu hóa căng thẳng
Mèo thích sống theo kế hoạch! Hãy giúp chúng làm quen với sự thay đổi này bằng cách lên lịch cho giờ chơi, giờ ăn và giờ ngủ. Lịch sinh hoạt của bé mèo lớn không nên bị xáo trộn bởi người bạn mới. Giữ lịch sinh hoạt cũ sẽ giúp bé mèo mới hòa nhập, và giúp tối thiểu hóa căng thẳng đối với bé mèo lớn.
Cách để lựa chọn hai bé mèo để chung sống cùng nhau (giới tính, tuổi, tính cách)
Một nghiên cứu ở Thụy Sỹ chỉ ra rằng mèo trưởng thành sẽ dễ chấp nhận và làm quen với mèo nhỏ hơn là mèo cùng tuổi hoặc lớn hơn. Do đó, bạn nên cân nhắc nhận nuôi bé mèo thứ hai là mèo con hoặc nhỏ tuổi hơn bé mèo đang có nhé. Nếu bạn vẫn muốn nhận nuôi một bé mèo lớn thì nghiên cứu đó cũng cho thấy hai bé mèo giới tính khác nhau sẽ dễ làm thân hơn, còn nếu cùng giới tính thì hai bé mèo đực sẽ dễ làm quen hơn hai bé mèo cái.
Môi trường sống của bé mèo mới
Hiển nhiên là các bé mèo cần không gian riêng. Các bé mèo sẽ ít hung hăng hay lo âu hơn khi mỗi con có ít nhất 1m2 không gian sàn và 2m không gian thẳng đứng, như bệ cửa sổ và kệ tủ.
Cho phép các bé ra không gian ngoài trời cũng làm tăng không gian sống của chúng lên đáng kể, trừ những lúc thời tiết lạnh thì mèo không thích ra ngoài nhiều. Mèo nuôi nhốt trong nhà sẽ vui vẻ hơn khi có nhiều vị trí để nằm nghỉ ngơi và lẩn trốn, từ đó chúng có thể kiểm soát việc tiếp xúc với nhau nhiều hay ít.
Mèo muốn có chỗ ẩn trốn để chúng được ở một mình và không bị làm phiền. Chúng cũng nên có thau cát vệ sinh riêng để có cảm giác an toàn khi đi vệ sinh. Số lượng thau cát nên bằng số lượng mèo của bạn, cộng thêm 1. ví dụ, bạn có 3 bé mèo, thì cần 4 thau cát.
Và dĩ nhiên, chuẩn bị thật nhiều cột cào móng và đồ chơi để bọn chúng luôn vui vẻ. Bạn có thể đặt thức ăn và nước uống ở khu vực chung vì mèo thích tụ tập ăn uống. Nhưng nếu bạn có một bé mèo nhút nhát, thì có thể cho bé ăn riêng ở một nơi kín đáo hơn.
Làm sao để mèo hòa thuận với nhau
Bạn nên nhớ mèo cần RẤT NHIỀU thời gian để thích nghi với nhau. Đối với chó thì chúng sẽ quyết định làm bạn, hoặc không, chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ hoặc vài ngày. Còn mèo ngược lại, có thể mất một năm để ngừng oánh nhau và chơi cùng nhau.
Mèo có tính cá nhân và lãnh thổ cao nên chúng cần vài tuần hay vài tháng để làm quen với môi trường và lối sống mới. Vì lý do đó, ấn tượng đầu tiên khi chúng gặp những thú cưng khác trong nhà khá quan trọng. Nếu các bé mèo được giới thiệu quá nhanh rồi đánh sẽ có thể sẽ không bao giờ hòa thuận được với nhau.
Giúp bé mèo làm quen với nhau từng bước một:
Chuẩn bị một phòng riêng cho bé mèo mới. Khi bạn mang bé mới về nhà, cho bé ở phòng đó với đây đủ thau cát vệ sinh, giường, thức ăn và nước uống trong 1 tuần, hoặc ít nhất cho đến khi bé được bác sĩ thú y kiểm tra qua.
Cho hai bé ăn ở hai bên của một cánh cửa. Lần tiếp theo cho chúng ăn, bạn hãy đặt 2 tô thức ăn ở hai bên cánh cửa vào phòng. Mục đích là để chúng tận hưởng việc ăn uống và cảm nhận được sự hiện diện của nhau. Mỗi ngày bạn hãy dịch chuyển 2 tô thức ăn lại gần cánh cửa hơn. Khi chúng có thể ăn bình thường với 2 tô thức ăn sát cửa, hãy mở hé cửa – chỉ vài giây thôi – để chúng nhìn thấy nhau khi ăn.
Cho 2 bé ăn ở 2 bên cánh cửa
Để bé mèo mới tự khám phá. Khi bé đã cảm thấy thoải mái ở môi trường mới, ăn khỏe, sử dụng khay cát vệ sinh, hãy nhốt bé mèo kia ở một phòng và để bé mèo mới khám phá ngôi nhà. Việc này sẽ cho bé mèo mới ngửi được mùi của bé mèo kia mà không phải tiếp xúc trực tiếp. Một lựa chọn nữa là đổi giường ngủ của chúng một đêm.
Quan sát lần đầu tiên chúng gặp nhau thật kỹ và giới hạn thời gian. Khả năng sao sẽ có hành vi hung hăng hoặc sợ hãi (cúi người, rít, cụp tai), nhưng bạn muốn tránh để chúng hình thành hành vi hung hăng hoặc sợ hãi này vì sẽ khó thay đổi. Nếu chúng thể hiện quá hung hăng, tách hai bé ra và quay về bước một.
Nếu chúng đánh nhau, phân tán sự tập trung và tách chúng ra. Nếu chúng đánh nhau quá dữ, hãy quăng một cái khăn lông lên chúng (để phân tán sự chú ý) hoặc tạo ra một âm thanh ồn ào để tách chúng ra. Lùa bé mèo mới về phòng của nó (không bế nó lên khi nó vẫn còn đang hung hăng), cho chúng một vài ngày để bình tĩnh lại. Không ôm bé mèo nào trong lúc cho chúng gặp nhau: nếu một bé trở nên hung hăng, bạn có thể bị cào hoặc cắn.
Tiếp tục quan sát kỹ khi cho chúng tiếp xúc với nhau, chú ý từng dấu hiệu của sự hung hăng hay căng thẳng. Nếu một bé bị cứng người, trừng mắt nhìn bé kia thì hãy cho chúng ăn bánh thưởng hoặc chơi trò chơi để phân tán chúng. Điều này cũng dạy cho chúng biết khi gặp nhau sẽ có nhiều thứ vui vẻ hay ho để chơi.
Nên nhớ rằng “thành công” không có nghĩa là hai bé trở thành bạn bè thân thiết đâu. Nhiều bé sẽ trở nên gắn kết và hòa thuận trong khi có những bé sẽ tránh và rít nhau cho đến cuối đời. Bạn nên biết rằng cả hai trường hợp đều có thể xảy ra. Mục tiêu của bạn là tạo điều kiện cho chúng chia sẻ không gian sống cùng nhau một cách bình yên, nhưng nên hiểu rằng bạn không thể “giúp” chúng thích nhau.
Tiến trình này cần thời gian: khoảng 2-4 tuần đối với 1 bé mèo con và 1 bé mèo lớn, 4-6 tuần (hoặc lâu hơn) đối với hai bé mèo lớn.
Thực hiện theo các bước như trên sẽ tăng tối đa khả năng thành công, nhưng đôi khi có những bé mèo không bao giờ chấp nhận nhau. Nếu bạn đã thử thực hiện như trên và không thấy tiến triển nào sau một tháng – nhất là khi một bé trở nên hung hăng và làm bé kia bị thường – khả năng cao là chúng sẽ không hòa thuận được cho dù thế nào. Bạn có thể tìm chủ mới của một trong hai bé hoặc giữ chúng sống tách biệt cho đến cuối đời là cách giải quyết tốt nhất.
Đừng quên quan tâm bé mèo thứ nhất của bạn
Nên nhớ đây là một sự thay đổi lớn đối với nó. Giữ nguyên lịch trình sinh hoạt của bé và dành cho bé sự quan tâm chơi đùa. 6 cách dành thời gian cùng bé như sau:
1. Xem một sô truyền hình về thiên nhiên hoặc động vật cùng nhau.
2. Chơi đùa cùng nhau.
3. Cho bé ăn bánh thưởng.
4. Nói chuyện với bé.
5. Chải lông cho bé.
6. Vuốt ve nựng nịu bé.
Lợi ích của việc nuôi nhiều hơn hai bé mèo
Có rất nhiều lợi ích của việc nuôi hai bé mèo, tuy nhiên chỉ trong trường hợp hai bé hợp nhau và có đủ không gian riêng để có thể sống cùng nhau một cách thoải mái. Một lợi ích là hai bé có thể cùng nhau vận động, tiếp xúc với nhau, và nhiều lợi ích về sức khỏe tinh thần.
Mèo ở cùng nhau sẽ hình thành tập tính “mèo” hơn bằng việc tiếp xúc và chơi với nhau, điều này cũng có nghĩa là chúng sẽ ít hình thành những hành vi xấu như khi ở 1 mình.
Ví dụ, đôi khi những bé mèo ở 1 mình sẽ làm phiền chủ nuôi bằng việc cố ý đánh thức bạn dậy giữa đêm để chơi với chúng. Hai bé mèo cũng đôi khi đánh thức chủ nuôi do chạy nhảy trong nhà, nhưng ít ra chủ nuôi không phải thức dậy giữa đêm để mua vui cho 1 bé mèo.
Một lợi ích nữa của việc nuôi hai bé đó là chúng sẽ sạch sẽ hơn là 1 bé mèo ở 1 mình. Mèo sẽ liếm lông cho nhau cả bộ lông và tai, thường liếm những nơi mà bản thân chúng không tự liếm tới được.
Tổng kết
Bạn nên hiểu rằng các bé mèo không thể trở thành bạn thân một sớm một chiều được. Không có gì có thể đảm bảo điều đó và do đó tốt nhất nên cực kỳ cẩn thận khi giới thiệu chúng với nhau. Nếu bạn nhận nuôi một bé mèo từ một gia đình mèo hoặc trại cứu hộ, hãy cân nhắc việc nhận bé thứ hai ở cùng một nơi. Mang cả hai bé đã là bạn đến một nơi mới sẽ dễ dàng hơn nhiều, và chúng cũng có khả năng cao sẽ hòa thuận với nhau.