Nếu bạn nhận thấy mèo đột nhiên sụt cân gầy gò đi thì đó có thể là triệu chứng của một tình trạng sức khỏe hoặc bệnh lý tiềm ẩn.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất.
Mèo của bạn có gầy gò không?
Điều hài hước là trong mắt nhiều chủ nuôi thì mèo của mình khá gầy gò nhưng thật sự là bé không gặp vấn đề gì về cân nặng cả. Vậy thì làm sao để kiểm tra tại nhà?
May mắn thay, có hai phương pháp đơn giản mà bạn có thể sử dụng để xác định xem mèo của bạn có quá gầy, thừa cân hay cân nặng vừa phải cân đối hay không.
Chỉ số cân nặng cơ thể
Các bác sĩ thú y sử dụng chỉ số cân nặng cơ thể (tương tự như chỉ số của con người) để đánh giá trọng lượng của thú cưng.
Bảng đánh giá chỉ số cơ thể mèo có thể giúp bạn xác định xem mèo của bạn có quá gầy gò hay không.
Nguồn tham khảo: https://wsava.org/wp-content/uploads/2020/08/Body-Condition-Score-cat-updated-August-2020.pdf
Ngoài ra, bạn có thể tính BMI của mèo
( Body Mask Index)
Các phép đo bạn cần để tính FBMI của mèo:
- Khi mèo ở tư thế đứng, chân vuông góc với mặt đất và đầu thẳng đứng.
- Đo chu vi khung xương sườn của mèo. (Mức độ của xương sườn thứ 9 là lý tưởng.)
- Bây giờ hãy đo chiều dài của cẳng chân sau từ đầu gối đến mắt cá chân và viết ra cả hai con số.
FBMI của mèo được đánh giá là gầy nếu dưới 15.
Nguồn tham khảo : https://www.omnicalculator.com/biology/cat-bmi
Tính toán FBMI
- Chia số đo khung xương sườn cho 0,7062 và trừ chiều dài của chân.
- Chia câu trả lời đó cho 0,9156.
- Lấy số đó trừ chiều dài chân và đó là chỉ số BMI của mèo.
Phương pháp kiểm tra bằng bàn tay
Bạn cũng có thể dùng tay để xác định tình trạng cơ thể của mèo.
Dùng tay sờ và cảm nhận xương sườn của mèo (nằm sau chân trước của chúng); nếu sờ vào có cảm thấy như mu bàn tay của bạn thì trọng lượng của mèo là vừa phải.
Nếu xương sườn của chúng trông giống hoặc có cảm giác giống như các đốt ngón tay của bạn thì mèo đang bị gầy đấy.
Nếu xương sườn mèo có cảm giác giống như lòng bàn tay của bạn thì có thể mèo đang bị thừa cân.
Tóm lại, sườn phải được sờ thấy với một lớp mỡ mỏng. Nếu xương sườn cảm thấy rất nổi và có thể nhìn thấy, có thể mèo của bạn đang bị thiếu cân.
Nguyên nhân nào khiến mèo gầy gò?
Có hai nguyên nhân chính khiến mèo gầy gò: Chúng ăn không đủ hoặc tiêu thụ nhiều calo hơn lượng calo nạp vào.
Mèo có thể không ăn đủ do căng thẳng, bệnh răng miệng, buồn nôn hoặc nhiều nguyên nhân khác.
Mèo mắc một số bệnh có thể bị sụt cân và đây có thể là dấu hiệu đầu tiên, đôi khi là dấu hiệu bên ngoài duy nhất cho thấy mèo đang mắc một hội chứng rối loạn tiềm ẩn.
Ở một số mèo già trên 10 tuổi có thể xảy ra tình trạng giảm cân, có thể là do suy giảm chức năng tiêu hóa do tuổi tác.
Mặc dù mèo gầy không quá nguy hiểm để phải đến thú y cấp cứu nhưng nếu bạn nghĩ rằng mèo của mình quá gầy thì phải lên lịch kiểm tra với bác sĩ thú y để xác định nguyên nhân gây sụt cân.
Việc mèo gầy gò sụt cân có thể diễn ra chậm trong một thời gian dài.
Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng mèo giảm cân là một dấu hiệu rất sớm của bệnh thận và tình trạng này có thể đã bắt đầu biểu hiện ba năm trước khi có triệu chứng rõ ràng của bệnh.
Bác sĩ thú y can thiệp và điều trị bệnh sớm sẽ tạo cơ hội điều trị bệnh tốt hơn.
Do đó, việc đưa mèo đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên với bác sĩ thú y bao gồm việc kiểm tra trọng lượng cơ thể mèo rất hữu ích trong việc phát hiện sớm và điều trị sớm bệnh trên mèo (nếu có).
Trường hợp khẩn cấp cần được bác sĩ thú y cấp cứu y tế là khi mèo của bạn (gầy hoặc không) bỏ ăn hoàn toàn.
Nếu đúng như vậy, bạn nên đưa mèo đến bác sĩ thú y ngay lập tức.
Mèo không ăn trong nhiều ngày liên tục có thể do tình trạng sức khỏe có thể đe dọa tính mạng chính là nhiễm mỡ gan – còn được gọi là hội chứng gan nhiễm mỡ.
Những bệnh khiến mèo gầy gò sụt cân
Khi mèo ăn bình thường nhưng vẫn gầy gò sụt cân
Cường giáp
Cường giáp là thuật ngữ được sử dụng để chỉ khi tuyến giáp hoạt động mạnh và sản xuất ra nhiều hormone tuyến giáp hơn mức cần thiết trong cơ thể mèo.
Trong hầu hết các trường hợp, khi hormone tuyến giáp dư thừa sẽ gây ra tình trạng tăng trao đổi chất.
Dễ hiểu hơn là khi hormone tuyến giáp tăng cao sẽ khiến cơ thể mèo đốt cháy nhiều năng lượng hơn trong lúc mèo nghỉ ngơi.
Từ do gây ra tình trạng giảm cân gầy gò ở mèo.
Mèo của bạn có thể ăn ngon miệng. Nhưng thực tế, mèo có thể ăn nhiều hơn bình thường nhưng vẫn giảm cân.
Cường giáp thường là kết quả của một khối u sản xuất hormone lành tính trên tuyến giáp làm tăng nồng độ hormone tuyến giáp.
Ngoài giảm cân, cường giáp có thể gây uống nước nhiều và đi tiểu, tăng hoạt động, nôn mửa, tiêu chảy và suy nhược cơ bắp.
Bệnh phổ biến hơn ở mèo trên bảy tuổi, bộ lông của mèo cũng có thể bắt đầu nhờn và không đẹp.
Nói chung, tình trạng này có thể được điều trị bằng iod phóng xạ, thuốc uống, chế độ ăn kiêng hoặc phẫu thuật.
Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là tình trạng cơ thể mèo không có khả năng sản xuất insulin.
Đây là loại hormone được sử dụng để cân bằng lượng glucose trong cơ thể.
Khi lượng đường glucose bị mất quá nhiều sẽ khiến cho mèo bị sụt cân.
Cụ thể hơn, khi cơ thể mèo không có khả năng sản xuất insulin dẫn tới giảm tổng hợp protein và mỡ.
Đồng thời làm tăng quá trình tiêu protein, tiêu mỡ tất yếu sẽ dẫn đến sụt cân.
Bệnh thường gây ra sụt cân ở mèo và thường là thay đổi cảm giác thèm ăn.
Mèo mắc bệnh tiểu đường cũng có thể uống quá nhiều nước, đi tiểu nhiều hơn bình thường, hoạt động chậm chạp, nhiễm trùng đường tiết niệu và hơi thở có mùi ngọt hoặc giống như mùi trái cây lên men.
Bệnh tiểu đường thường được kiểm soát bằng insulin và thay đổi chế độ ăn uống.
Một số mèo thậm chí có thể trở lại bình thường sau vài tháng điều trị.
Bệnh ký sinh trùng
Hiện nay, hầu hết các chủ nuôi đều chú ý hơn đến vấn đề sức khỏe mèo. Đặc biệt là vấn đề giun sán ở vật nuôi.
Đa số mèo được thực hiện xổ giun đúng theo tư vấn của bác sĩ thú y.
Tuy nhiên, đôi khi chủ vật nuôi quên mất lịch xổ giun và khiến mèo bị giun, sán tấn công.
Hậu quả là sự giảm sút về cân nặng mèo cưng.
Hầu hết trường hợp này thường gặp nhiều ở khu vực nông thôn. Nơi mà sức khỏe thú cưng ít được chú ý và khoa học, kỹ thuật y học về thú cưng còn nhiều hạn chế.
Trong số các loại ký sinh trùng thì giun tóc là loại khó có thể loại bỏ hoàn toàn nhất nếu chỉ thông qua thuốc xổ thông thường.
Điều này có thể khiến mèo dù đã được xổ giun nhưng vẫn không có sự cải thiện về cân nặng.
Mặc dù các triệu chứng không phải lúc nào cũng xuất hiện, nhưng những ký sinh trùng này cũng có thể gây tiêu chảy, đầy bụng, nôn mửa và khó thở.
Điều cực kỳ quan trọng là bạn phải cập nhật các biện pháp kiểm soát ký sinh trùng thường xuyên để giúp ngăn ngừa các vấn đề do giun gây ra, đặc biệt là ở những mèo thích săn mồi.
Và ngay cả những mèo trong nhà vẫn nên tẩy giun thường xuyên, vì bọ chét có thể mang và truyền ấu trùng giun nếu chúng vô tình được mang vào nhà.
Nếu không chắc về tần suất tẩy giun cho mèo, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ thú y.
Bệnh thận
Thận là căn bệnh dễ gặp ở mèo, nhất là những em mèo được cho ăn 100% thức ăn tổng hợp – thức ăn hạt dành cho mèo.
Các thức ăn ở dạng này thường cứng khiến cho các cơ quan tiêu hóa cũng như thận làm việc nhiều.
Hơn nữa, một số thực phẩm hạt khô chứa hàm lượng khoáng cao, cơ thể mèo không dung nạp được,vì thế sẽ gây tích tụ lại ở thận.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận phổ biến ở mèo.
Do thận chịu trách nhiệm về một số công việc trong cơ thể, bao gồm sản xuất hormone, lọc các chất thải ra khỏi máu, giúp điều hòa huyết áp và thậm chí hỗ trợ sản xuất các tế bào máu mới.
Cho nên như bạn có thể tưởng tượng, khi có vấn đề trong thận, nó có thể gây ra rất nhiều vấn đề, bao gồm cả việc giảm cân của mèo.
Khi mèo mắc bệnh thận, việc tiểu tiện cũng sẽ hơi khó khăn, biểu hiện qua việc mèo uống nước và đi tiểu nhiều lần.
Mèo sẽ bị đau vùng bụng, đồng thời cân nặng sẽ sụt giảm từ từ theo thời gian.
Bác sĩ thú y có thể xác định vấn đề này bằng các xét nghiệm máu và nước tiểu đơn giản.
Bệnh thận mãn tính không thể chữa khỏi, thường được quản lý y tế bằng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và các loại thức phẩm chức năng.
Các tình trạng như bệnh thận sẽ trở nên phổ biến hơn khi mèo già đi.
Vì vậy nếu bạn nghi ngờ mèo của mình có thể bị bệnh thận, tốt nhất bạn nên đặt lịch hẹn với bác sĩ thú y càng sớm càng tốt vì sự can thiệp kịp thời thường mang lại kết quả tốt hơn.
Để hạn chế mèo bị thận thì các chủ nuôi nên chú ý các vấn đề sau:
Nên bổ sung nhiều loại thức ăn hơn cho mèo thay vì chỉ sử dụng một dạng thức ăn khô tổng hợp.
Cho mèo uống nhiều nước để hạt cám mềm ra, giúp việc tiêu hóa dễ dàng.
Kiểm tra hàm lượng các chất có trong thành phần hạt cho mèo ăn hoặc xin ý kiến bác sĩ thú y chọn loại phù hợp để tránh tình trạng tích đọng sỏi ở thận.
Mèo mắc bệnh thận nhanh chóng bị sút cân.
Bệnh tim
Mặc dù không phải là nguyên nhân quá phổ biến, nhưng bệnh tim có thể là nguyên nhân gây sụt cân ở mèo.
Khi mèo mắc bệnh tim, sức khỏe của mèo nhanh chóng suy kiệt khiến mèo bị sụt cân.
Khi phát hiện ra những dấu hiệu liên quan đến sức khỏe tim mạch, chủ nuôi cần phải đưa mèo đi khám và điều trị ngay.
Các vấn đề về tim mạch dù nặng hay nhẹ đều gây ảnh hưởng đến cơ thể mèo và thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Khi mèo gầy gò giảm cân do không muốn ăn, bỏ ăn
Stress
Một vấn đề mà chủ nuôi cần lưu ý là khi mèo bị căng thẳng, stress, trầm cảm cũng có thể dẫn đến sụt cân.
Các nguyên nhân bên ngoài tác động như con người hay động vật khác đối với mèo, những thú cưng xung quanh khu vực cho ăn, tiếng ồn quá mức, thức ăn dơ bẩn,… có thể gây sang chấn hoặc căng thẳng tâm lý.
Thậm chí mèo cũng có thể khó chịu vì sự xuất hiện hoặc biến mất của một bạn thú cưng khác hoặc do thay đổi thói quen.
Điều này sẽ khiến cho việc ăn uống của mèo thay đổi và gây ra tình trạng sụt cân.
Để giúp cải thiện cân nặng mèo trong trường hợp này, bạn cần chú ý đến những biểu hiện thường ngày của mèo.
Cho mèo ăn đúng chỗ, đúng thức ăn và hạn chế những yếu tố khiến mèo sợ.
Bệnh viêm ruột
Bệnh viêm ruột là thuật ngữ được dùng để chỉ một nhóm bệnh do rối loạn tiêu hóa mãn tính chứ không chỉ riêng một bệnh duy nhất.
Tuy nhiên, điểm chung của tình trạng bệnh này là chúng đều do sự xâm nhập của các vi khuẩn gây viêm.
Vi khuẩn gây viêm xâm nhập khiến cho thành ruột của mèo dày lên. Khi thành ruột dày lên sẽ ngăn cản đường tiêu hóa hoạt động bình thường.
Từ đó làm cho mèo biếng ăn, bỏ ăn và gây ra tình trạng sụt cân do bệnh mãn tính viêm ruột ở mèo.
Khi rơi vào trường hợp này, các triệu chứng khác có thể bao gồm tiêu chảy, chán ăn và nôn mửa.
Các vấn đề về viêm dạ dày ruột – GI thông thường gây giảm cân ở mèo bao gồm bệnh viêm ruột, dị ứng thức ăn hoặc một số bệnh nhiễm trùng nhất định.
Viêm phúc mạc nhiễm trùng ở mèo
Loại virus này, ban đầu thường xảy ra nhất ở mèo được nuôi trong các vùng thiếu điều kiện vệ sinh, đặc biệt là mèo sống trên đường phố và không được chăm sóc.
Bệnh lý này được biết là gây gầy mòn, suy nhược cơ thể và chức năng nội tạng của mèo.
Mèo bị FIP sẽ có vẻ ốm yếu, thường bị sốt và không phản ứng với thuốc kháng sinh.
Tuỳ vào giai đoạn bệnh lý mà bác sỹ thú y sẽ đề nghị kiểm tra , xét nghiệm máu, Xray , siêu âm.
Bệnh FIP hiện nay ngày càng phổ biến và gây nguy hiểm cho mèo nhiều hơn.
Bệnh túi mật
Bệnh túi mật dùng để chỉ một nhóm bệnh ảnh hưởng đến các cơ quan của túi mật.
Các bệnh về túi mật có thể là suy túi mật, sỏi túi mật, nhiễm trùng túi mật hoặc viêm túi mật.
Túi mật nằm trong ổ bụng, gắn chặt vào gan và đóng vai trò là nơi chứa mật, một chất lỏng cần thiết để tiêu hóa thức ăn trong dạ dày và ruột.
Ống mật vận chuyển mật từ gan vào túi mật và vào ruột non, và gan có chức năng bài tiết mật.
Viêm túi mật thường liên quan đến tắc nghẽn và / hoặc viêm ống mật chủ và / hoặc hệ thống gan / mật, và đôi khi liên quan đến sỏi mật.
Các trường hợp viêm nặng có thể dẫn đến vỡ túi mật và viêm ống mật nặng sau đó (viêm phúc mạc mật), cần điều trị ngoại khoa và y tế kết hợp.
Sau khi mèo ăn, các triệu chứng của bệnh túi mật sẽ xảy ra nhiều và mạnh nhất.
Bệnh túi mật sẽ làm cho mèo có cảm giác đau đớn, sốt, buồn nôn, … sau khi ăn.
Điều này khiến cho mèo có hành vi bỏ ăn vì những cơn đau.
Còn có một số triệu chứng trầm trọng khác có thể là dấu hiệu của túi mật hoặc ống mật bị viêm là đột ngột chán ăn, hôn mê, nôn mửa.
Vàng da nhẹ đến trung bình kèm theo sốt thường liên quan đến các tình trạng của ống mật. Tìm vàng mắt và vàng nướu.
Shock do nhiễm trùng và giảm thể tích máu cũng có thể xảy ra.
Các dấu hiệu của shock bao gồm thở nông, hạ thân nhiệt, nướu nhợt nhạt hoặc xám và mạch yếu nhưng nhanh.
Bác sĩ thú y của bạn sẽ yêu cầu xét nghiệm máu và phân tích nước tiểu. Chụp X-quang và / hoặc hình ảnh siêu âm vùng bụng, để có hình ảnh rõ ràng hơn về hệ thống bên trong cơ thể mèo.
Bệnh gan
Bệnh gan trên mèo hay gặp nhất là gan nhiễm mỡ.
Bạn có thể nhận thấy rằng sự thèm ăn của mèo giảm hoặc hết hẳn, một tình trạng được gọi là biếng ăn xuất hiện.
Điều này rất nguy hiểm đối với mèo, vì chúng dễ mắc chứng bệnh mỡ gan, hay còn gọi là hội chứng gan nhiễm mỡ, một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể phát triển khi gan phải xử lý một lượng lớn chất béo dự trữ để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Chứng nhiễm mỡ gan thường thấy ở mèo đói hoặc những con không chịu ăn.
Trong các trường hợp bệnh gan nhẹ hoặc sớm, các dấu hiệu thường tương đối không đặc hiệu và cần xét nghiệm chẩn đoán thêm để xác định.
Vì gan chịu trách nhiệm về một loạt các chức năng trao đổi chất như vậy, nên có một loạt các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm máu và nước tiểu có thể hữu ích để đánh giá bệnh và chức năng gan.
X ray (X-quang) và siêu âm sẽ chứng minh bất kỳ thay đổi nào về kích thước hoặc hình dạng của gan.
Thay đổi chế độ ăn uống thường có ích và có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Vì gan tham gia vào quá trình tiêu hóa và chuyển hóa tất cả các nhóm thực phẩm chính, nên các khuyến nghị truyền thống là cung cấp một chế độ ăn uống “giảm khối lượng công việc” của gan.
Tuy nhiên, cách thích hợp nhất để làm điều này ở mèo không rõ ràng hơn ở các loài khác.
Mặc dù giảm lượng protein ăn vào có thể có lợi cho một số vấn đề về gan, mèo là loài ăn thịt bắt buộc cần có hàm lượng protein thịt chất lượng cao trong chế độ ăn của chúng.
Do đó, khẩu vị là yếu tố quan trọng cần cân nhắc để xác định chế độ ăn uống thích hợp nhất cho mèo bị bệnh gan, đặc biệt nếu mèo biếng ăn.
Nhưng cần giảm thiểu mức carbohydrate trong khẩu phần ăn ở mèo bị bệnh gan.
Chế độ ăn theo khẩu phần đặc biệt đã được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của mèo bị bệnh gan và bác sĩ thú y có thể khuyên bạn nên cho mèo ăn một trong những chế độ ăn được xây dựng khoa học này.
Bệnh tuyến tụy
Bệnh tuyến tụy là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi để mô tả tình trạng cơ quan ở tuyến tụy hoạt động không bình thường.
Tuy nhiên, viêm tụy là tình trạng bệnh ngoại tiết phổ biến nhất ở mèo.
Những con mèo bị viêm tụy thường sẽ bị sụt cân trầm trọng vì bệnh viêm tụy khiến mèo chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa, giảm cảm giác thèm ăn. Nếu nặng có thể xảy ra sốc cấp tính hoặc tử vong.
Tuyến tụy tạo ra các enzym để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn và các hormone như insulin, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu hoặc chuyển hóa glucose.
Viêm tụy đôi khi xảy ra ở mèo. Khi nó xảy ra, nó thường đi kèm với tình trạng viêm gan và ruột.
Bệnh viêm tụy không có khuynh hướng tuổi tác, giới tính hoặc giống.
Viêm tụy cấp có thể có dạng phù nề nhẹ, dạng xuất huyết nặng hơn.
Một số con mèo hồi phục sau đợt viêm tụy cấp có thể tiếp tục bị viêm tụy cấp tái phát. Đây được gọi là viêm tụy mãn tính.
Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm thường cho thấy số lượng bạch cầu tăng cao; tuy nhiên, số lượng bạch cầu tăng cao cũng có thể do các bệnh lý khác ngoài viêm tụy gây ra.
Nếu có tăng men tụy trong máu, chẩn đoán được xác nhận, nhưng nhiều con mèo bị viêm tụy sẽ có mức men tụy bình thường.
Trong những năm gần đây, một xét nghiệm tuyến tụy mới đã có sẵn để chẩn đoán viêm tụy ngay cả khi nồng độ men tụy bình thường.
X quang có thể cho thấy những thay đổi liên quan đến tình trạng viêm ở vùng tụy bị viêm tụy cấp xuất huyết nặng.
Siêu âm có thể hữu ích hơn bằng cách cho thấy tình trạng viêm trong tuyến tụy hoặc khu vực xung quanh.
Dù vậy nhưng chẩn đoán viêm tụy có thể mang tính dự kiến hoặc phỏng đoán trong nhiều trường hợp, chỉ dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và bệnh sử.
Việc điều trị thành công viêm tụy sẽ phụ thuộc vào chẩn đoán sớm và điều trị y tế kịp thời.
Bệnh lý Addison
Bệnh Addison hoặc bệnh suy vỏ thượng thận là thuật ngữ được sử dụng để đề cập đến tình trạng tuyến thượng thận mèo sản xuất không đủ corticoids, aldosterone và cortisol.
Khi mèo mắc chứng Addison sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn dẫn đến sụt cân.
Đau răng, miệng
Nếu mèo của bạn đột nhiên bỏ ăn và bắt đầu giảm cân, nhưng có vẻ vẫn khỏe mạnh, nó có thể là một cái gì đó đơn giản như đau răng gây ra vấn đề.
Chảy nước dãi và cộm ở miệng có thể là những dấu hiệu khác của vấn đề về răng.
Loét miệng hoặc viêm nướu nghiêm trọng cũng có thể góp phần gây ra vấn đề sụt cân của mèo.
Ngoài ra, Mèo của bạn có thể có các triệu chứng khác như hôi miệng, chảy máu miệng, run hàm, thức ăn rơi ra khỏi miệng, bắt đầu thích thức ăn mềm hơn.
Các loại thức ăn quá cứng hoặc vệ sinh răng miệng kém có thể khiến mèo gặp khó khăn nhai nuốt hoặc khiến răng miệng mèo bị chấn thương, viêm nhiễm, nha chu, đau răng, sưng nướu, viêm răng, lợi…
Việc cho mèo sử dụng thức ăn dạng mềm, dễ tiêu sẽ giúp việc ăn uống dễ dàng hơn và phòng ngừa đau răng, miệng.
Khi mèo gầy gò do đau răng, miệng thì chủ nuôi cần đưa mèo đến phòng khám thú y để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Bước đầu tiên để điều trị là bác sĩ thú y gây mê cho mèo và làm sạch răng hay còn gọi là cạo vôi răng, khám và điều trị nếu cần thiết . Một số mèo sẽ cần phẫu thuật vùng miệng và / hoặc nhổ răng.
Ung thư
Mặc dù không phải tất cả sự giảm cân của mèo đều là do ung thư, nhưng nó là một thủ phạm tương đối phổ biến.
Các triệu chứng khác thường xuất hiện bao gồm chán ăn, thờ ơ và lẩn trốn.
Trong đó, Ung thư hạch là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở mèo và nó có thể sống trong đường tiêu hóa, miệng, hệ bạch huyết, v.v.
Hầu hết các dạng ung thư cuối cùng sẽ gây ra tình trạng khó chịu chung và dẫn đến đau, suy nhược cơ, hôn mê.
Làm sao để giúp mèo gầy tăng cân
Nếu bạn nghĩ rằng mèo của bạn cần tăng cân, trước tiên bạn nên đưa chúng đến bác sĩ thú y để có thể loại trừ các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Nếu không tìm thấy vấn đề sức khỏe nào, hãy thực hiện những lời khuyên dưới đây để có thể giúp mèo của bạn tăng cân và khỏe mạnh trở lại.
Những bé mèo khỏe mạnh (nhưng gầy gò) chỉ cần ăn nhiều bữa hơn mỗi ngày và / hoặc được cho ăn thường xuyên – thức ăn luôn có sẵn để bé có thể ăn mọi lúc.
Mèo thích ‘cỏ mèo’ hoặc có thói quen ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày nên việc chuẩn bị sẵn thức ăn cả ngày có thể tạo nên sự khác biệt.
Bạn có thể rắc cỏ mèo lên thức ăn để thu hút sự chú ý của bé.
Cho ăn tự do có thể dẫn đến béo phì và chỉ được khuyến khích trong một số trường hợp nhất định. Vì thế nên xin ý kiến bác sĩ thú y trước khi tiến hành nhé.
Nếu bạn có nhiều bé mèo thì có thể một con háu ăn và luôn canh giữ thức ăn, ngăn không cho con khác ăn no.
Đảm bảo rằng tất cả mèo có thể đến gần thức ăn suốt cả ngày trong một môi trường an toàn, không bị đe dọa.
Nếu mèo đang lo lắng căng thẳng và không thể ăn uống do sợ hãi, hãy đảm bảo rằng bát thức ăn không ở gần vật khiến chúng sợ hãi như máy điều hòa không khí, đường ống ồn ào hoặc tiếng chó sủa.
Nếu bạn cho mèo ăn thức ăn khô, hãy cho chúng ăn thêm thức ăn đóng hộp ngoài thức ăn khô (hoặc ngược lại).
Đối với những con mèo khỏe mạnh, hãy thử cho bé ăn các loại thức ăn có hương vị khác nhau và cân bằng hàm lượng của thức ăn khô và ướt – một số bé mèo thích pate gà, những con khác lại thích vị cá hồi – nhưng hãy đảm bảo chuyển đổi thức ăn chầm và từ từ để tránh bé gặp phải bất kỳ rối loạn tiêu hóa nào.
Hâm nóng thức ăn mèo trong lò vi sóng trong vài giây để tăng mùi thơm.
Băm một lượng rất nhỏ gà quay vào thức ăn của mèo để kích thích khẩu vị; hầu hết mèo đều thích mùi và hương vị của gà quay.
Chủ nuôi có thể thử thêm một lượng rất nhỏ súp từ cá ngừ đóng hộp hoặc nước luộc gà không ướp muối vào thức ăn của mèo.
Một số bé mèo chỉ cần thức ăn có hàm lượng calo cao hơn để tăng cân.
Vì thế bạn có thể cho bé ăn thức ăn đóng hộp có hàm lượng calo cao.
Những chú mèo lớn tuổi hay gặp khó khăn trong việc duy trì cân nặng nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, giàu chất chống oxy hóa, axit béo omega-3 và -6 và prebiotics.
Nếu mèo được chẩn đoán là có vấn đề về sức khỏe, bác sĩ thú y có thể gợi ý một loại thức ăn chuyên dụng được thiết kế với công thức đặc biệt phù hợp với tình trạng sức khỏe của bé (bệnh thận, tiểu đường…)
Luôn kiểm tra với bác sĩ thú y trước khi thay đổi thức ăn cho mèo hoặc cho chúng ăn các chất bổ sung dinh dưỡng.
Chủ nuôi nên làm gì khi thấy mèo gầy gò sụt cân?
Để xác định nguyên nhân khiến mèo giảm cân và lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho bé thú cưng của bạn thì bác sĩ thú y sẽ khám sức khỏe tổng thể, xét nghiệm máu và phân tích nước tiểu.
Tùy thuộc vào nguyên nhân khiến mèo giảm cân, bác sĩ thú y có thể chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, thay đổi chế độ ăn uống để điều trị tình trạng cơ bản và phục hồi cân nặng cho bé mèo.
May mắn rằng ngay cả ở những con mèo lớn tuổi thì việc hồi phục lại cân nặng cũng không mấy khó khăn.
Việc cải thiện cân nặng cho những bé mèo gặp vấn đề đường tiêu hóa có thể được cải thiện hoàn toàn hoặc một phần bằng cách thay đổi chế độ ăn phù hợp hơn, tốt hơn cho bé.
Nếu mèo của bạn đang bị bệnh viêm ruột hoặc các tình trạng sức khỏe khác gây giảm hấp thu thức ăn, bác sĩ thú y sẽ có thể khuyến nghị một chế độ ăn thức ăn dễ tiêu hóa.
Mèo bị sụt cân do dị ứng thức ăn có thể hồi phục hoàn toàn khi loại bỏ tác nhân gây dị ứng khỏi chế độ ăn của chúng.
Trong trường hợp mèo gầy gò do bỏ ăn, chán ăn thì chủ nuôi có thể sử dụng thuốc kích thích thèm ăn để duy trì dinh dưỡng đầy đủ cho bé đồng thời tìm ra và khắc phục nguyên nhân chán ăn (bệnh hoặc căng thẳng…).
Mèo là chuyên gia che giấu bệnh tật và thương tích, nhưng bác sĩ thú y có thể phát hiện ra vấn đề trước khi nó vượt qua tầm kiểm soát.
Đảm bảo ghi nhận ngay bất kỳ thay đổi nào trong hành vi của mèo cho bác sĩ thú y.
Việc điều trị một vấn đề sức khỏe trong giai đoạn đầu sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc đợi cho đến khi mèo ốm nặng.
Tổng kết
- Nếu bạn nhận thấy mèo đột nhiên sụt cân gầy gò đi thì đó có thể là triệu chứng của một tình trạng sức khỏe hoặc bệnh lý tiềm ẩn.
- May mắn thay, có hai phương pháp đơn giản mà bạn có thể sử dụng để xác định xem mèo của bạn có quá gầy, thừa cân hay cân nặng vừa phải cân đối hay không: đó là đánh giá chỉ số cơ thể mèo hoặc kiểm tra bằng bàn tay.
- Có hai nguyên nhân chính khiến mèo gầy gò: Chúng ăn không đủ hoặc tiêu thụ nhiều calo hơn lượng calo nạp vào.
- Khi mèo ăn bình thường nhưng vẫn gầy gò sụt cân: cường giáp, tiểu đường, bệnh thận, bệnh tim.
- Khi mèo gầy gò giảm cân do không muốn ăn, bỏ ăn: stress, bệnh viêm ruột, bệnh túi mật, bệnh gan, bệnh viêm tụy, bệnh Addison, đau răng miệng.
- Cách để giúp mèo gầy tăng cân: đảm bảo bé không mắc bệnh lý gây giảm cân, cho bé ăn nhiều bữa hơn, cho ăn tự do, dùng cỏ mèo hoặc thức ăn kích thích bé ăn (gà quay hoặc súp cá hồi)…
- Cho dù mèo đang ăn hay không khi chủ nuôi thấy mèo gầy gò sụt cân, nên đưa bé đi khám bác sĩ thú y để tìm ra nguyên nhân và lên kế hoạch điều trị phù hợp.
- Nếu bạn không chắc trọng lượng lý tưởng của mèo, bác sĩ thú y sẽ có thể hướng dẫn và đề xuất chế độ cho ăn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của mèo.